Thiết kế Gearing_(lớp_tàu_khu_trục)

Chiếc đầu tiên trong lớp được đặt lườn vào tháng 8 năm 1944, trong khi chiếc cuối cùng được hạ thủy vào tháng 4 năm 1946; trong giai đoạn này Hoa Kỳ đã đóng 98 chiếc tàu khu trục lớp Gearing. Chúng có những cải tiến nhỏ so với lớp Allen M. Sumner dẫn trước, vốn được đóng từ năm 1943 đến năm 1945. Khác biệt chính là lườn tàu lớp Gearing được kéo dài thêm 14 ft (4,3 m) phía giữa tàu, giúp chúng có thêm khoảng trống chứa nhiên liệu, và do đó tăng thêm tầm xa hoạt động, một đặc tính quan trọng trong các chiến dịch tại Mặt trận Thái Bình Dương. Quan trọng hơn về dài hạn, kích thước lớn hơn của Gearing giúp chúng dễ nâng cấp hơn những chiếc Allen M. Sumner, ví dụ như những cải biến thành kiểu tàu khu trục cột mốc radar (DDR) và tàu khu trục hộ tống (DDE) vào những năm 1950, và Chương trình Hồi sinh và Hiện đại hóa Hạm đội (FRAM) đầu những năm 1960.

Vào lúc thiết kế, lớp Gearing được trang bị vũ khí tương tự như của lớp Allen M. Sumner. Dàn hỏa lực chính bao gồm ba tháp pháo 5 inch (127 mm)/38 caliber Mark 38 nòng đôi đa dụng, được dẫn đường bởi hệ thống kiểm soát hỏa lực pháo Mark 37 cùng với radar điều khiển hỏa lực Mark 25, kết nối bởi máy tính kiểm soát hỏa lực Mark 1 và được ổn định bởi con quay hồi chuyển Mark 6 tốc độ 8.500 rpm. Hệ thống kiểm soát hỏa lực này cho phép có được hỏa lực chống hạm hay phòng không tầm xa hiệu quả. Nó cũng được trang bị hỏa lực phòng không gồm 12 khẩu pháo Bofors 40 mm trên hai bệ bốn nòng và hai bệ nòng đôi, cùng 11 khẩu pháo Oerlikon 20 mm trên các bệ nòng đơn. Thiết kế ban đầu giữ lại dàn vũ khi ngư lôi mạnh của lớp Allen M. Sumner, bao gồm 10 ống phóng ngư lôi 21 in (530 mm) bên hai bệ năm nòng, bắn ra kiểu ngư lôi Mark 15. Tuy nhiên, do mối đe dọa của không kích kiểu Kamikaze vào cuối Thế Chiến II, cũng như số lượng hạm tàu nổi ít ỏi còn lại của Hải quân Nhật, đa số những chiếc trong lớp tháo bỏ bệ ngư lôi năm nòng phía sau để tăng cường thêm một khẩu đội 40 mm bốn nòng, nâng tổng số nòng pháo 40 mm phòng không lên 16. Sau này, 26 chiếc (DD-742-745, 805-808, 829-835, và 873-883) được đặt hàng mà không có ống phóng ngư lôi để lấy chỗ cho thiết bị điện tử radar; chúng được xếp lại lớp như những tàu khu trục cột mốc radar (DDR) vào năm 1948.[1][2][3][4]

Nâng cấp 1946-1959

Sơ đồ trình bày sự phát triển của lớp Gearing.George K. MacKenzie, Leonard F. Mason, Henry W. TuckerRupertus bên dưới cầu Story, Brisbane, Australia vào tháng 1, 1958.

Sau Thế Chiến II, đa số những chiếc trong lớp được nâng cấp vũ khí phòng không và chống ngầm. Pháo phòng không 40 mm và 20 mm được thay bằng hai đến sáu khẩu pháo 3 inch (76 mm)/50 caliber bố trí tối đa trên hai bệ nòng độ và hai bệ nòng đơn. Một đường ray thả mìn sâu được tháo dỡ và hai súng cối chống tàu ngầm Hedgehog được trang bị; máy phóng mìn sâu K-gun được giữ lại. Vào đầu những năm 1950 có thêm chín chiếc được cải biến thành tàu khu trục cột mốc radar (DDR), nâng tổng số lên 35 chiếc; chúng thường chỉ có một tháp pháo 3-inch/50 caliber nòng đôi để tiết kiệm trọng lượng cho thiết bị radar, tương tự như những tàu cột mốc radar thời chiến. Chín chiếc được cải biến thành tàu khu trục hộ tống (DDE), nhấn mạnh đến khả năng chống ngầm. Carpenter là chiếc được cải biến thành tàu khu trục hộ tống triệt để nhất, có bốn khẩu pháo 3 inch/70 Mark 26 trên hai tháp pháo nòng đôi bọc kín, hai máy phóng vũ khí Alpha chống ngầm, bốn ống phóng ngư lôi 21-inch kiểu mới để phóng ngư lôi Mark 37 chống ngầm, và một đường ray thả mìn sâu.[5]

Nâng cấp FRAM I

Sarsfield (trên) khi đưa vào hoạt động, và Rowan (dưới) sau nâng cấp FRAM I.